Trang Chủ » Tin nóng trong ngày
Monday, July 16, 2018
Đề xuất mua máy vớt lục bình Trung Quốc 2,6 tỷ
Trước đề nghị mua máy vớt lục bình Trung Quốc 2,6 tỷ của Sở Khoa học - Công nghệ, UBND tỉnh đã bác đề nghị này.
Trả lời chất vấn HĐND tỉnh hôm 13/7, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND Long An cho biết, tỉnh này vừa bác đề nghị của Sở Khoa học - Công nghệ mua máy vớt lục bình 2,6 tỷ đồng.
"Vấn nạn lục bình đang là vấn đề bức xúc hiện nay, tuy nhiên, do tỉnh đang gặp khó khăn trong cân đối ngân sách, giá mua máy vớt lại quá đắt, trong khi phạm vi phục vụ không lớn", ông Cần nói
Theo ông Cần, tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu đề tài máy vớt, diệt lục bình, có so sánh với phương tiện cơ giới khác để đánh giá hiệu quả, tính khả thi áp dụng vào thực tế thời gian tới. Riêng kinh phí vớt lục bình từ năm nay trở đi sẽ do huyện, xã đảm nhận, vận động nhân dân cùng tham gia, tỉnh không hỗ trợ nữa.
Ba năm trước, Sở Khoa học ký hợp đồng với một đơn vị chế tạo máy vớt tại TP HCM với kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nghiệm thu máy bị nghiêng và không băm nhỏ được lục bình nên Sở Khoa học phải tìm đối tác khác.
Gần một năm trước, Sở Khoa học - Công nghệ Long An tiếp tục đề xuất tỉnh mua máy vớt, băm nhỏ lục bình xuất xứ Trung Quốc.
Trong thời gian đó, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Long An Lê Quốc Dũng cho biết đã phối hợp công ty tại Tây Ninh chạy thử nghiệm máy vớt lục bình trên sông.
Máy dài 15,2 m; rộng 5,2 m và cao 4,2 m do công ty này cùng đối tác Trung Quốc chế tạo, có thể vớt từ 2.000 đến 6.000 m2 mỗi giờ. Máy di chuyển bằng hai bánh chèo đường kính 1,6m, lắp hai bên thân với tốc độ di chuyển 2- 3 km/h.
Lục bình được vớt lên sẽ đi qua hệ thống băm nhỏ, sau đó thải ra hai bên bờ sông. Ước tính chi phí vớt một tấn lục bình khoảng 20.000 đồng.
Đơn vị thiết kế cho biết, ban đầu máy gặp sự cố do lục bình dày đặc xen lẫn cỏ, hiện đã được cải tiến lại hàm cắt, gắn thêm các lưỡi dao.
Sau khi xem máy trình diễn, ông Dũng thấy máy có khả năng vớt lục bình tốt nên đã báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương mua máy, kinh phí khoảng 2,6 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học.
Bạn có thể bình luận bài viết tại đây...